Đình cổ nhất đất Gia Định có thể sập bất cứ lúc nào
- Chi tiết
- Viết bởi Diệt Mối Tận Gốc VĂN MINH
- Chuyên mục: Bai viet
- Lượt xem: 1254
Sở VH - TT TP HCM lại cảnh báo về tình trạng xuống cấp trầm trọng của tòa nhà hội sở, đình Thông Tây Hội (P.11, Q.Gò Vấp) - một di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Phần Hội sở đình Thông Tây Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hư hỏng nặng - Ảnh: HỮU THUẬN
Được xây dựng khoảng năm 1679, đình Thông Tây Hội là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả miền đất phương Nam còn tồn tại.
Nguy cơ sập bất cứ lúc nào
Đi từ cổng chính vào, tòa nhà hội sở nằm phía tay phải tòa nhà chánh điện thuộc đình Thông Tây Hội. Dù vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ xưa nhưng hơn 300 năm “hứng chịu” mưa gió, tòa nhà đã mục nát, nghiêng hẳn một bên.
Các chân cột gỗ thường xuyên ngập úng trong nước vào các mùa mưa nên bị hủy hoại, ăn mòn. Cột trụ bị mối mọt xâm thực làm mục chân, tiêu tâm và lệch hẳn vị trí trục kết cấu. Hệ thống kết cấu gỗ đỡ mái như hoành, rui bị mối mọt ăn mòn, hư hỏng nặng.
Người dân phải dùng cây gỗ lớn chống đỡ tạm. Trong ngày lễ Kỳ yên đình Thông Tây Hội vừa qua (14-8 âm lịch), mái bị mục nát nên người dân không dám trèo lên sửa, mà chỉ dùng gậy xê dịch từng viên ngói lại cho khít, che tạm mưa nắng cho khách về dự lễ.
Ông Nguyễn Văn Tý - trưởng ban quản lý đình Thông Tây Hội - cho biết việc xin kinh phí trùng tu rất khó khăn. Trước đây, các hạng mục trong các gian chánh điện, võ ca, nhà chầu xuống cấp, ban quản lý liên tục kiến nghị cơ quan chức năng có phương án trùng tu.
Tuy nhiên chờ tiền mãi không có, ban quản lý phải huy động người dân đóng góp. Riêng nhà hội sở xuống cấp nặng ba năm nay. Ban quản lý đình nhiều lần “kêu cứu” lên cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được trùng tu. Ban quản lý cũng không thể kêu gọi người dân đóng góp cho hạng mục này vì số tiền trùng tu quá lớn.
Những cột trụ của nhà hội sở (đình Thông Tây Hội) bị mối mọt ăn gây hư hỏng nặng - Ảnh: HỮU THUẬN
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết việc trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật có tuổi thọ gần 300 năm này gặp khó khăn bởi di tích xuống cấp trầm trọng, cần kinh phí tu bổ lớn.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thông Tây Hội, hạng mục tòa nhà hội sở đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thẩm định vào ngày 16-6-2015 và UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện tu bổ di tích bằng nguồn vốn ngân sách TP, với kinh phí 3,7 tỉ đồng.
Hiện sở đã chuẩn bị xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đang chờ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công và quyết định giao vốn để triển khai bước thực hiện dự án. Dự kiến công trình được khởi công năm 2017.
Cần có biện pháp chống đỡ khẩn cấp
Sau chuyến tham quan tại đình Thông Tây Hội hồi tháng 10 cùng một số chuyên gia Viện Nghiên cứu di sản thế giới của UNESCO, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), TS.KTS Lê Vĩnh An - trưởng khoa kiến trúc ĐHQT Hồng Bàng, chuyên gia bảo tồn di sản kiến trúc gỗ Việt Nam - nhận định hiện trạng kỹ thuật của ngôi đình rất kém, xuống cấp nặng nề.
Mái ngói nhà hội sở mục ruỗng, xuống cấp nghiệm trọng - Ảnh: HỮU THUẬN
Theo KTS Lê Vĩnh An, cốt nền của nhà hội sở thấp hơn cốt nền hiện nay khoảng 60cm, là cái ao thu nước trong mùa mưa.
Kiểu kiến trúc thông thoáng của đình vừa thoát ẩm tốt, nhưng cũng là tác nhân khiến gỗ nhanh chóng bị hủy hoại do hiện tượng chênh lệch lớn về độ ẩm giữa mùa nắng và mùa mưa. Bằng mắt thường có thể thấy được hiện tượng tiêu tâm cột, mục rỗng họng kèo và gãy xé mộng liên kết ngang, dọc.
Đình rất dễ bị đổ nghiêng. Mặt khác, do các cột gỗ đã được nâng chêm, dịch chuyển làm hệ khung gỗ yếu hẳn, toàn bộ công trình dễ bị chuyển vị và nguy cơ đổ sập của đình rất cao.
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng trên, TS Lê Vĩnh An cho rằng cần có biện pháp chống đỡ tòa nhà hội sở khẩn cấp.
Quan trọng hơn là theo ông An, rất cần “đại trùng tu” bằng cách trùng tu hạ giải toàn phần. Công việc trùng tu phải tuyệt đối tôn trọng các yếu tố gốc của công trình và đảm bảo tính chân xác trong công tác bảo tồn di tích kiến trúc.
Ba hạng mục công trình của đình Thông Tây Hội (miếu Bà Chúa Xứ, chánh điện và nhà hội sở) được đặt trên ba trục đồng hướng và song song nhau, thể hiện cấu trúc ba ngôi (tam quyền) theo phương thức quần cư thuở ban sơ của người Việt ở vùng Gia Định.
Đặc biệt, yếu tố kiến trúc chính của chánh điện và nhà hội sở là nhà “một gian, hai chái” theo hình thức phương đình (nhà vuông), một thể loại rất phổ biến của cư dân bản địa vùng Đông Nam Á cổ xưa còn sót lại ở ngôi đình này. Tuy đã trải qua vài lần tu sửa nhưng vẫn giữ được cấu trúc cơ bản của một ngôi đình cổ của người Việt ở vùng Nam bộ.
TS.KTS LÊ VĨNH AN tại https://www. giaoduc. edu. vn/
Đặt Câu Hỏi / Nêu Ý Kiến
- Hãy nhập tên và email của bạn để tiện cho việc trao đổi. Diệt Mối và Côn Trùng VĂN MINH cam kết bảo mật thông tin của bạn!