Kiến ba khoang , tại sao phải tránh xa chúng ra?
- Chi tiết
- Viết bởi Diệt Mối Tận Gốc VĂN MINH
- Chuyên mục: Bai viet
- Lượt xem: 1515
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Tuy nhiên, trước những nguy hiểm từ loại côn trùng này, khi mùa mưa tới, người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế cho kiến ba khoang bay vào nhà.
Kiến ba khoang, thực chất là một loại bọ cánh cứng có thân dài, kích thước từ 1,5 đến 20 mm, màu đỏ nâu, được gọi bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, kiến cong đít. Chúng tiết ra chất pederin có độc tính, gây bỏng, khi tiếp xúc với da người tạo phản ứng viêm da, mụn nước như bỏng, mụn mủ nhỏ li ti.
Cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, có độc tính mạnh gấp hàng chục lần so với nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Tuy nhiên, ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết vẫn có thể làm tổn thương da người ở mức độ nghiêm trọng. Chất độc từ kiến ba khoang gây nên sự phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử.
Vị trí tổn thương do kiến ba khoang thường gây ra tại những vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân vùng kín do kiến bám vào quần áo qua đó tiếp xúc da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Đa phần các trường hợp bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt chỉ đến bệnh viện khi có tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng.
Vết thương do kiến ba khoang, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng, điều trị hàng tuần mới khỏi. Đã có bệnh nhân bị độc tố dính vào mắt, gây bỏng mắt khiến bị mù tạm thời.
Cao điểm mùa sinh sản của kiến ba khoang là vào tháng 9, tháng 10 nhưng từ đầu mùa mưa, tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là các khu dân cư, các chung cư, kiến ba khoang theo ánh sáng bay vào nhà và gây nên những ổ dịch. Để phòng chống kiến ba khoang đốt người, người dân cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Sau khi mưa xuống, hạn chế bật đèn sáng và mở cửa sổ trong nhà để tránh thu hút kiến ba khoang. Nếu có thể thì nên bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang từ trong nhà ra ngoài nhà và diệt kiến. Đặc biệt là nên sử dụng rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí.
- Đề phòng côn trùng bay vào nhà, hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.
- Trước khi đi ngủ, giũ sạch chăn, chiếu, buông màn để kiến ba khoang không bay vào. Cần chú ý khăn rửa mặt, quần áo... phòng nguy cơ kiến ba khoang.
- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người.
Đọc thêm: Cách đuổi công trùng tụ tập xung quanh đèn trước nhà
Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Tùy mức độ nặng nhẹ mà điều trị bằng cách khác nhau. Trường hợp nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Vết thương nặng, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách. Người bệnh được chỉ định uống kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc dùng corticosteroid. Thông thường, vết thương sẽ ổn định sau 5 đến 7 ngày.
Đặt Câu Hỏi / Nêu Ý Kiến
- Hãy nhập tên và email của bạn để tiện cho việc trao đổi. Diệt Mối và Côn Trùng VĂN MINH cam kết bảo mật thông tin của bạn!